Chiều 12/11, Petrovietnam phối hợp với WIP đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu xây dựng phương pháp tính toán khả năng hấp thụ CO2 của cây xanh và các đơn vị lựa chọn loại cây trồng phù hợp, đảm bảo mục tiêu cân bằng CO2”. Đây là lần thứ hai hội thảo được tổ chức sau lần đầu vào tháng 7/2024 với khối lượng nghiên cứu khá đồ sộ.
Nhận thấy tầm quan trọng của cây xanh trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đặc biệt là khi Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Petrovietnam đã phối hợp cùng WIP thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ tổ chức Hội thảo.
Nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng được đưa ra
Tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Nguyên Hằng, Nghiên cứu viên WIP đã trình bày báo cáo so sánh kết quả tính toán bằng các phương pháp định lượng CO2 và lựa chọn phương pháp áp dụng cho các loài cây được lựa chọn.
Petrovietnam đã ban hành Kế hoạch số 1237/KH-DKVN ngày 17/3/2022 xây dựng chương trình trồng 3 triệu cây xanh giai đoạn 2022-2025 tại các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí.
Từ kết quả nghiên cứu, bà Hằng cho biết 15 loài cây có khả năng hấp thụ CO2, tác động tích cực tới hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao sinh kế người dân đảm bảo cho việc trồng rừng, trồng cây phân tán, tập trung vào địa bàn các tỉnh/thành đã được điều tra khảo sát tại Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, gồm: Đước đôi, Keo lai, Dầu rái, Bạch đàn lai, Sao đen, Lim xanh, Bần chua, Thông nhựa, Mắm trắng, Lát hoa, Quế, Bạch đàn camal, Giổi xanh, Keo tai tượng, Bần không cánh.
Do đó, để đảm bảo việc trồng cây hấp thụ CO2 đạt được hiệu quả cao, đồng thời bước đầu tham gia vào thị trường carbon từ năm 2028, việc nghiên cứu xác định phương pháp định lượng hấp thụ CO2 áp dụng cho các loài cây được lựa chọn là việc cần thiết thực hiện.
ThS. Lê Văn Tuất, Chủ nghiệm đề tài nghiên cứu.
Trên cơ sở đó, ThS. Lê Văn Tuất, Chủ nghiệm đề tài nghiên cứu cho biết, căn cứ ý kiến của các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đưa ra quy trình chung của thiết kế, hướng dẫn trồng các loại cây được lựa chọn có khả năng hấp thụ CO2 cao.
Quy trình chung, gồm: Xác định điều kiện gây trồng; Thu hái và bảo quản giống; Tạo cây con (nguồn giống, vườn ươm, tạo bầu, xử lý trái giống, chăm sóc cây con trong vườn ươm, đưa ra tiêu chuẩn cây con đem trồng); Trồng rừng; Chăm sóc và bảo vệ rừng.
Nhóm nghiên cứu đưa ra thiết kế dự kiến cụ thể đối với cây ngập mặn và cây trên cạn về điều kiện gây trồng, thu hái bảo quản giống, trồng rừng. Thiết kế trồng cây có thể áp dụng ở nhiều địa điểm khác nhau và đưa ra các khoảng giá trị cho mỗi yếu tố trong thiết kế.
Trích xuất hình ảnh, dữ liệu scan 3D (Nguồn: Dữ liệu của nhóm nghiên cứu)
Vì vậy, ThS. Lê Văn Tuất lưu ý cần xác định chính xác vị trí trồng cây sau đó tiến hành điều tra các yếu tố liên quan đến điều kiện gây trồng để đưa ra thiết kế cụ thể cho từng loài, đảm bảo tỉ lệ sống cao, sinh trưởng tốt.
Kết quả tính toán thử nghiệm khả năng hấp thụ CO2 bằng phương pháp scan 3D cây ở Thái Bình, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh và Cà Mau được bà Đặng Ngọc Bích, Nghiên cứu viên WIP thông tin các con số đo lường cụ thể.
Ví dụ, tại Thái Bình, cây Bần chua 5 năm tuổi có khả năng hấp thụ từ 18,2-15,2 kg CO2/cây/năm; Bần không cánh có khả năng hấp thụ từ 35,4-29,9 kg CO2/cây/năm... Các kết quả này được nhóm nghiên cứu tham chiếu hoàn toàn phù hợp với các tổ chức quốc tế.
Sau cùng, ThS. Lê Hạnh Chi, Nghiên cứu viên WIP công bố tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phương pháp định lượng hấp thụ CO2 áp dụng cho các loài cây phù hợp với Petrovietnam, đồng thời hướng dẫn trực tiếp các đại biểu cách thức đo lường tính toán CO2 bằng phương pháp scan 3D.
ThS. Lê Hạnh Chi, Nghiên cứu viên WIP công bố tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phương pháp định lượng hấp thụ CO2.
Nghiên cứu có giá trị lớn trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính
Ông Nguyễn Nam Sơn, Phó Trưởng Phòng Tổ chức sản xuất lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá cao ý nghĩa của nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao giảm 130 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó Bộ Công Thương là gần gấp đôi, nên việc nghiên cứu này có giá trị rất lớn.
“Nhóm nghiên cứu đã kế thừa phần nào của Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật xác định CO2 cho rừng ngập mặn vừa được Bộ ban hành. Về danh mục các loại cây lựa chọn do nhóm nghiên cứu đưa ra, Cục khuyến nghị chứng minh thêm về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho từng loài trên từng vùng, đồng thời tham khảo các tài liệu đã phát hành của Bộ và các đơn vị liên quan để kết quả nghiên cứu được toàn diện hơn”, ông Nguyễn Nam Sơn đánh giá.
Tại Hội thảo, các đại biểu đề nghị nhóm nghiên cứu bao quát, rà soát tỉ mỉ từng câu chữ, thuật ngữ để nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ, đáp ứng tính chính xác cao.
Ông Nguyễn Nam Sơn, Phó Trưởng Phòng Tổ chức sản xuất lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá cao giá trị của nghiên cứu.
Ngoài việc là kết quả nghiên cứu khoa học được Petrovietnam sử dụng, đây còn là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu. Do đó, các đại biểu cho rằng, nghiên cứu cần có phương pháp thuyết mục đảm bảo tường minh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với thực tiễn. Phương pháp kỹ thuật tính toán định lượng cần đảm bảo tính phổ quát các đơn vị đều có thể sử dụng được, tham chiếu với các quy chuẩn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra.
Từ tình hình thực tế ứng dụng, các đơn vị của Tập đoàn đã đặt câu hỏi và được nhóm nghiên cứu giải đáp, thảo luận trong từng trường hợp, địa phương cụ thể.
Góp ý vào đề tài từ góc nhìn thành viên Tập đoàn, ông Đinh Thế Hùng, Trưởng Ban Công nghệ và An toàn môi trường Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) nhất trí với báo cáo của nhóm nghiên cứu thông qua kết quả đã ứng dụng thực tiễn. “PVEP đã trồng cây Bần ở Thái Bình được 2 năm, cơn bão Yagi vừa qua chỉ gây thiệt hại khoảng 10% cho thấy sức sống mãnh liệt của loài cây này. Việc trồng Đước ở các khu vực miền Nam do đơn vị thực hiện cũng cho kết quả tương tự. Điều này chứng minh kết quả đề xuất các loại cây được lựa chọn hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của Tập đoàn”, ông Hùng cho biết.
ThS. Phạm Văn Đậu, Phó Viện trưởng WIP thay mặt nhóm nghiên cứu tiếp thu góp ý của các đại biểu, đơn vị tham dự và cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện kết quả báo cáo.